Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

Trồng Bonsai trong chậu và phương pháp thay chậu

Bonsai tồn tại được trong chậu chính nhờ sự kết hợp giữa uốn cây tạo hình và tác dụng giới hạn của chậu tạo nên Bonsai . Ta không thể bắt đầu tạo dáng cây non cho đến khi nó được đặt vào chậu. Tình trạng khỏe mạnh của tất cả cây Bonsai phụ thuộc rất nhiều vào cách thay đất trong chậu và cắt tỉa rễ. Bonsai khỏe mạnh thường mọc rễ mới mỗi năm và những rễ này càng khiến nước cũng như không khí khó thấm vào đất. Rễ trên bế mặt sẽ lấy hết chất dinh dưỡng. Rễ chính gần thân cũng sẽ cứng và nhỏ lại. Do đó ta cần phải cắt bớt rễ chính và làm mỏng rễ trên bề mặt theo định kỳ.
Mức độ thực hiện công việc này phụ thuộc vào tốc độ phát triển của cây. Những cây thường xanh như thông và vân sam thì chỉ cần thay chậu một lần từ 3 – 5 năm. Cây thường xanh có lá rộng như hoa trà, nguyệt quế và cây rụng lá theo thời kỳ, thì 2 hay 3 năm thay chậu một lần. Cây ra hoa và trái, 2 năm một lần, nhưng khi hoa và trái quá nặng thì có thể cần phải thay chậu sau một năm. Liễu và bách nhật hồng vốn phát triển nhanh thì 2 lần một năm. Cần nhớ là những lần thay chậu này nên áp dụng với cây khỏe mạnh được chăm sóc đúng cách.
Thời gian thích hợp nhất để thay chậu là vào đầu mùa xuân, khi các chồi mới xuất hiện đầu tiên. Đợt thứ hai xuất hiện vào cuối hè hay đầu thu . Cây ăn trái như mận và mơ thường ra hoa trước khi mọc lá, phải được thay chậu sau khi ra hoa, nhưng trước khi lá mở. Cây ăn trái như anh đào và táo lại ra hoa vào cưới xuân, nên phải thay chậu trước khi ra hoa. Không nên thay chậu cho bonsai vào mùa đông,vào mùa này cây luôn ở trạng thái ngủ, vì thế không thể cố định thân cây vào lớp đất mới và mọc rễ mới. Tương tự, cũng rất nguy hiểm nếu ta thay chậu vào cuối xuân và đầu hè khi lá đã mở đầy đủ nhưng vẫn còn yếu.
Nếu phải thay chậu không đúng mùa do chậu bị vỡ hay đất quá xấu, thì trước hết cần phải cắt hết lá của cây rụng theo thời kỳ, trừ khi vào thời đểm cuối tháng 8. Bởi vì lúc này có thể để lá lại mà không sợ các ảnh hưởng xấu. Khi cây thông đòi hỏi phải thay chậu khẩn cấp, ta nên bỏ hết lá mới còn mềm và chỉ để lại những lá cũ.
Sau khi cây Bonsai được làm sạch và cắt tỉa rễ ta sẽ chuẩn bị chậu và đất mới cho nó. Chậu được làm sạch hoàn toàn, lỗ hay các lỗ thoát nước của nó được che đậy lại bằng vật liệu xốp. Nếu bạn dùng xơ dừa cho mục đích này thì nên kéo nó dãn ra để có thể thoát nước hiệu quả.
Đáy chậu được phủ một lớp đất. Trên lớp đất này, bạn sẽ rắc lớp đất chính cho dến khi chậu đầy ¾, cẩn thận không làm trộn lẫn các lớp đất với nhau. Nếu rễ cây phát triển kém đến độ có cả vùng lớn chậu rỗng xung quanh nó, thì nên dồn phần đất dưới đáy sang xung quanh, để lại một chỗ rỗng cho đất chính. Còn đối với trường hợp rễ bị bệnh hay trong tình trạng xấu đến độ bên dưới thân và rễ có chỗ lõm, ta làm một đống đất nhỏ ở vị trí mà cây sẽ đứng. Nếu sự phát triển của rễ hay hình dạng nặng nề của ngọn cây khiến nó không thể đứng vững trong chậu, thì  vào lúc này ta phải chuẩn bị dây kim loại để buộc nó vào chậu.
Khi chuẩn bị chậu xong ta đặt cây vào chậu. Nếu chậu hình Oval hay chữ nhật, thì cây nên đặt cách vị trí trung tâm một chút, khoảng 1/3 khoảng  cách từ đầu chậu. Nếu chậu hình tròn hay hình vuông, thì cây nằm ở chính giữa.
Cây được đặt trong một lớp đất chính và thật nhẹ nhàng  hãy làm cho nó nằm  một chút trong đất. Rắc đất chính xung quanh  thân cho đến khi đến khi đầy đến miệng chậu. Cây phải được cố định chắc chắn, nếu nó có lớp vỏ sần sùi và đẹp thì bạn phải hết sức cẩn thận để không làm hỏng nó. Cầm cây trong một tay, dùng tay còn còn cầm đũa chọc nhẹ giữa rễ để đất mới có thể thâm nhập vào. Việc này giúp làm giảm bớt các túi khí bên dưới đất vốn là nơi tìm ẩn của sự mục nát. Khi cây cố định chắc chắn trong đất mới thì phần đất chính dư ra sẽ được quét sạch, chừa lại khoảng  0,6-0,7 cm miệng chậu để cho việc tưới nước. Bất kỳ rễ nào lộ ra trên bề mặt phải được ấn xuống bằng đũa và trải đất lên che lại. Nếu rễ lớn và cứng, ta dùng đai bằng đồng nhỏ có hình như cái kẹp tóc ghim nó xuống. Khi rễ nhỏ và mảnh liên tục xuất hiện trên bề mặt, ta có thể cắt bỏ chúng. Tuy nhiên không được nhầm lẫn rễ thuộc thành phần bên dưới đất với rễ mọc từ gốc thân. Vì rễ mọc từ gốc thân này có thể lộ ra và làm tăng vẻ đẹp của cây.

1 nhận xét: