Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Tự làm gốc bonsai

Tự làm gốc bon sai
http://depplus.vn/tin-tuc/19-03-2014/tan-dung-bia-cactong-lam-cay-bonsai-doc-dao-/61/12712/
http://www.dalatrose.com/View/113/4156/1

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

Trồng Bonsai trong chậu và phương pháp thay chậu

Bonsai tồn tại được trong chậu chính nhờ sự kết hợp giữa uốn cây tạo hình và tác dụng giới hạn của chậu tạo nên Bonsai . Ta không thể bắt đầu tạo dáng cây non cho đến khi nó được đặt vào chậu. Tình trạng khỏe mạnh của tất cả cây Bonsai phụ thuộc rất nhiều vào cách thay đất trong chậu và cắt tỉa rễ. Bonsai khỏe mạnh thường mọc rễ mới mỗi năm và những rễ này càng khiến nước cũng như không khí khó thấm vào đất. Rễ trên bế mặt sẽ lấy hết chất dinh dưỡng. Rễ chính gần thân cũng sẽ cứng và nhỏ lại. Do đó ta cần phải cắt bớt rễ chính và làm mỏng rễ trên bề mặt theo định kỳ.
Mức độ thực hiện công việc này phụ thuộc vào tốc độ phát triển của cây. Những cây thường xanh như thông và vân sam thì chỉ cần thay chậu một lần từ 3 – 5 năm. Cây thường xanh có lá rộng như hoa trà, nguyệt quế và cây rụng lá theo thời kỳ, thì 2 hay 3 năm thay chậu một lần. Cây ra hoa và trái, 2 năm một lần, nhưng khi hoa và trái quá nặng thì có thể cần phải thay chậu sau một năm. Liễu và bách nhật hồng vốn phát triển nhanh thì 2 lần một năm. Cần nhớ là những lần thay chậu này nên áp dụng với cây khỏe mạnh được chăm sóc đúng cách.
Thời gian thích hợp nhất để thay chậu là vào đầu mùa xuân, khi các chồi mới xuất hiện đầu tiên. Đợt thứ hai xuất hiện vào cuối hè hay đầu thu . Cây ăn trái như mận và mơ thường ra hoa trước khi mọc lá, phải được thay chậu sau khi ra hoa, nhưng trước khi lá mở. Cây ăn trái như anh đào và táo lại ra hoa vào cưới xuân, nên phải thay chậu trước khi ra hoa. Không nên thay chậu cho bonsai vào mùa đông,vào mùa này cây luôn ở trạng thái ngủ, vì thế không thể cố định thân cây vào lớp đất mới và mọc rễ mới. Tương tự, cũng rất nguy hiểm nếu ta thay chậu vào cuối xuân và đầu hè khi lá đã mở đầy đủ nhưng vẫn còn yếu.
Nếu phải thay chậu không đúng mùa do chậu bị vỡ hay đất quá xấu, thì trước hết cần phải cắt hết lá của cây rụng theo thời kỳ, trừ khi vào thời đểm cuối tháng 8. Bởi vì lúc này có thể để lá lại mà không sợ các ảnh hưởng xấu. Khi cây thông đòi hỏi phải thay chậu khẩn cấp, ta nên bỏ hết lá mới còn mềm và chỉ để lại những lá cũ.
Sau khi cây Bonsai được làm sạch và cắt tỉa rễ ta sẽ chuẩn bị chậu và đất mới cho nó. Chậu được làm sạch hoàn toàn, lỗ hay các lỗ thoát nước của nó được che đậy lại bằng vật liệu xốp. Nếu bạn dùng xơ dừa cho mục đích này thì nên kéo nó dãn ra để có thể thoát nước hiệu quả.
Đáy chậu được phủ một lớp đất. Trên lớp đất này, bạn sẽ rắc lớp đất chính cho dến khi chậu đầy ¾, cẩn thận không làm trộn lẫn các lớp đất với nhau. Nếu rễ cây phát triển kém đến độ có cả vùng lớn chậu rỗng xung quanh nó, thì nên dồn phần đất dưới đáy sang xung quanh, để lại một chỗ rỗng cho đất chính. Còn đối với trường hợp rễ bị bệnh hay trong tình trạng xấu đến độ bên dưới thân và rễ có chỗ lõm, ta làm một đống đất nhỏ ở vị trí mà cây sẽ đứng. Nếu sự phát triển của rễ hay hình dạng nặng nề của ngọn cây khiến nó không thể đứng vững trong chậu, thì  vào lúc này ta phải chuẩn bị dây kim loại để buộc nó vào chậu.
Khi chuẩn bị chậu xong ta đặt cây vào chậu. Nếu chậu hình Oval hay chữ nhật, thì cây nên đặt cách vị trí trung tâm một chút, khoảng 1/3 khoảng  cách từ đầu chậu. Nếu chậu hình tròn hay hình vuông, thì cây nằm ở chính giữa.
Cây được đặt trong một lớp đất chính và thật nhẹ nhàng  hãy làm cho nó nằm  một chút trong đất. Rắc đất chính xung quanh  thân cho đến khi đến khi đầy đến miệng chậu. Cây phải được cố định chắc chắn, nếu nó có lớp vỏ sần sùi và đẹp thì bạn phải hết sức cẩn thận để không làm hỏng nó. Cầm cây trong một tay, dùng tay còn còn cầm đũa chọc nhẹ giữa rễ để đất mới có thể thâm nhập vào. Việc này giúp làm giảm bớt các túi khí bên dưới đất vốn là nơi tìm ẩn của sự mục nát. Khi cây cố định chắc chắn trong đất mới thì phần đất chính dư ra sẽ được quét sạch, chừa lại khoảng  0,6-0,7 cm miệng chậu để cho việc tưới nước. Bất kỳ rễ nào lộ ra trên bề mặt phải được ấn xuống bằng đũa và trải đất lên che lại. Nếu rễ lớn và cứng, ta dùng đai bằng đồng nhỏ có hình như cái kẹp tóc ghim nó xuống. Khi rễ nhỏ và mảnh liên tục xuất hiện trên bề mặt, ta có thể cắt bỏ chúng. Tuy nhiên không được nhầm lẫn rễ thuộc thành phần bên dưới đất với rễ mọc từ gốc thân. Vì rễ mọc từ gốc thân này có thể lộ ra và làm tăng vẻ đẹp của cây.

Bố trí các khối trong tàn lá Bonsai

Hình dạng tàn lá do nhánh và các chi thứ cấp tạo ra, nó có dạng tam giác, hình thoi hay hình mũi giáo khi nhìn từ trên xuống hay nhìn từ một bên.
- Khối lượng tàn lá cũng phải tương xứng với khối lượng  đất.
- Ở các kiểu : thẳng đứng (Chokan), hơi nghiêng (Mogoyi) và nghiêng (Shakan) thì đa số nhánh nằm ngang hoặc hơi nghiêng.
Bố trí tàn lá ở Bonsai kiểu thác đổ
Bố trí tàn lá ở Bonsai kiểu thác đổ
- Ở kiểu thác đổ (Kengai): phần lớn là bố trí tàn lá để nhìn nghiêng, ngọn cây ở thấp nhất. Tàn lá có thể chia thành một tầng, hai tầng hoặc ba tầng. Trong trường hợp có 2 tầng hoặc 3 tầng, chú ý đến sự phân bố của các tầng nhánh ở 2 bên thân nhìn từ trên xuống và không có nhánh hướng vào trong chậu. Trong trường hợp có cành đối trọng mọc ra từ chỗ gấp xuống của thân thì sự cân bằng của thế thác đổ tùy thuộc phần lớn vào cành này. Đỉnh của cành này cùng điểm xuất phát của nó hợp cùng trung tâm chậu và ngọn cây tạo ra một đường thẳng đứng. Nếu đỉnh cành đối trọng này nằm lệch qua một bên thì phần chính của thân thác đổ nằm sát dưới chậu nhưng ngọn phải ở qua bên đối diện để tạo thế cân bằng. Nếu đỉnh cành đối trọng nằm lệch về phía sau thì ngọn cây chạy ra trước. Nếu đỉnh cành đối trọng đưa ra trước, ngọn cây cũng đưa ra trước thì phải có cành cân bằng được nuôi dưỡng từ cành đối trọng, hướng mạnh về sau để tạo thế cân bằng.

Những “xảo thuật” trong tạo tác Bonsai

Để tạo một tác phẩm Bonsai đẹp, ngoài những kỹ thuật chính, các nghệ nhân Việt Nam còn áp dụng một số kỹ thuật hay xảo thuật khác như:
1. Ghép nhiều cây thành một gốc lớn thân to như Mai chiếu thủy, Sanh, Gừa… hoặc ghép cành vào một gốc to của cây cùng loài như Mai vàng, Mai trắng, đôi khi cùng giống (Sanh + Si + Da Ấn Độ), hay cùng họ (Cần thăng và Tắc)…
2. Chiết những cành lớn từ những cây to, thường dễ làm đối với các loài Sung, Sanh, Sộp, Lâm vồ và Bông giấy.
3 .Lấy rễ làm thân: trồng ngược cây nửa phần rễ quay lên trên làm tán cây, nửa phần rễ còn lại để dưới đất như thường. Phân nửa trên sẽ đâm chồi bung nhánh ra, sau đó cưa bớt cắt ngang chỗ cổ rễ .
Xảo thuật trồng ngược, lấy rễ làm thân tạo dáng thác đổ trong tạo tác Bonsai
Xảo thuật trồng ngược, lấy rễ làm thân tạo dáng thác đổ
4. Áp đá dưới gốc cây : tương tự như kỹ thuật tạo thế cây Sekijoju (kiểu rễ ôm đá); cũng có thể áp dụng cho cây có thân quá ốm.
5. Tạo thẹo : khoét vỏ cây hoặc cắt nhánh và khoét lõm chỗ gỗ lồi ra để tạo thẹo.
Tác phẩm Bonsai với xảo thuật tạo u, thẹo
Tác phẩm Bonsai với xảo thuật tạo u, thẹo
6. Tạo gốc lớn ngọn nhỏ (đầu voi đuôi chuột) cắt ngang ngọn cây theo độ cao thích hợp. Chọn cành gần đó uốn lên thay cho ngọn hoặc chọn chồi mới để nuôi dưỡng làm ngọn. Vết cắt này phải ở phía sau của cành uốn lên thay ngọn. Sau nhiều lần cắt như vậy, khi vết cắt lành lặn thì ta đã có cây lùn gốc lớn, ngọn nhỏ. Trong trường hợp này thì phần thân cây chừa lại có chiều cao tối thiểu là lớn hơn hay bằng 2 lần đường kính gốc, thường thì gấp 4 lần đường kính của gốc và các vết cắt phải tuần tự đối nhau để cho thân cây uốn vặn, không suôn thằng , hay cong lệch một bên.
7.Tạo cho cây mau có kích thước to chiều ngang của gốc và của cành bằng “phương pháp thả rừng”. Sau khi uốn cây vào thế, ta bớt hoặc không tỉa thường xuyên mà cho nó phát triển tươi tốt. Sự phát triển mạnh của cây sẽ làm gốc cành chóng lớn. Ta sẽ cắt tỉa các cành không vào thế với chu kỳ thưa hơn bình thường. Nếu cắt tỉa thường xuyên quá cây sẽ còi lão nhưng sẽ chậm lớn đường kính của gốc cây.
8. Phương pháp tạo nhiều đợt rụng lá trong năm bằng cách phơi nắng và bớt tưới nước cho cây. Sau mỗi đợt rụng lá, ta lại phục hồi cho nó mau ra chồi. Bằng cách này cây sẽ sần sùi cành nhánh có vẻ như lão đi rất nhiều.
9. Để mau đạt được kích thước to của cây, đơn giản nhất là giữ cây trong một chậu to, hay trồng thẳng  xuống đất, cho mọc tự do, đến khi đạt kích thước vừa ý.Mỗi lần thay đất, nâng các rễ lên và lót một phiến đá dẹp ở phía dưới gốc để cản sự phát triển tiếp của rễ cây ở nơi đó

Điều chỉnh rễ Bonsai

Trong Bonsai, phần hấp dẫn nhất là rễ lồi, những rễ trên đá, những rễ u nần, ngoằn ngoèo trải rộng trên mặt đất chớ không nằm trong đất, Những rễ đó tự tạo cho nó một cảnh quang đặc thù, gói ghém một nội dung sâu sắc: chúng bám chắc vào đá, vươn dài ra tìm kiếm thức ăn… nói lên sự kiên trì trước sóng gió cuộc đời vẫn tồn tại và vượt lên bão táp và giờ đây đang đằm thắm nghỉ ngơi. Các kiểu rễ này không phải là khó tạo mà cái chính là thời gian và công sức.
1.Kiểu rễ chân nôm (Neagari) để đưa rễ cây trồi hẳn lên mặt đất.
Bonsai rễ lộ thiên
Bonsai rễ lộ thiên
Người xưa thường nâng rễ lên mỗi lần thay chậu, Cách làm này mất thời gian và cây bị mất sức. Cách trồng cây cao hơn mặt chậu với khung gỗ hay khung mica bọc quanh sau đó tháo dần dần khung gỗ ra và gỡ đất dần, làm cho rễ lộ dần theo ý muốn, có hiệu quả hơn và dễ thực hiện.
2. Kiểu rễ ôm đá (Sekijoju) hay rễ bám đá (Ishiksuki)
Ở đây việc chọn cây và đá có tầm quan trọng rất lớn. Người ta đã qui định vài cảnh trí tiêu chuẩn dựa vào những qui tắc thẩm mỹ đã được mọi người thừa nhận:
- Đối với kiểu một cây trên đá : nếu thân cây cao hoặc mập là không phù hợp vì thân cao thì không vững chắc, còn thân mập thì mất đi vẻ nên thơ của cảnh trí. Phù hợp nhất là cây có một cành lớn cong xuống bên dưới và vươn về một phía.
- Đối với nhóm cây trên sườn núi, vách đá thì thân cây phải tương đối mảnh mai gầy yếu và cành dưới cũng phải cách đủ xa mặt đất để tạo ấn tượng cao và hùng vĩ bao la . Khi tạo cây trên đá cần phải hài hòa cân bằng nhưng không phải cân đối mà phải bất đối xứng. Không bao giờ để cây ngay chính giữa bề mặt của khối đá và cũng không bao giờ được phép cho nhóm rễ và cành cây phát triển song song cùng một  phía vì như vậy sẽ mất tự nhiên.
- Những cây trên đá nhất thiết phải chú trọng bộ rễ, cần phải có bộ rễ dài vì vậy cần phải nuôi cây trong chậu sâu 5-6 năm, sao cho bộ rễ không bị hư hại và không bị cắt tỉa, đạt được độ dài cần thiết. Trong những năm đó ta lo cắt tỉa cành nhánh để tạo thế cho phần trên mặt đất. Sau đó mới chuyển cây trồng lên đá.
Một phương pháp để tạo rễ dài là  trồng cây vào ống tre hay ống nhựa. Ống tre đã được chẻ dọc, cho cây vào rồi buộc lại rồi cắm ống tre đứng vào đất vườn. Rễ sẽ mọc nhanh về phía dưới. Khi rễ mọc đến tận đáy ống tre và bắt đầu chui vào đất thì ta tháo ống. Lấy cây cùng bộ rễ ra. Cẩn thận rũ hết cát  và đất. Bây giờ cây và bộ rễ dài của nó đã sẵn sàng để sắp xếp lên đá theo mọi kiểu mong muốn.
Phương pháp nuôi rễ dài bằng ống tre có ưu điểm:
- Rễ được bảo vệ tốt bởi ống tre.
- Rễ cây mảnh và dài nhờ rễ tre thẳng đứng.
- Chiều dài của rễ được xác định nhờ chiều dài của ống tre.
Khi chuẩn bị công việc phải lưu ý đến tỉ lệ, kích thước của đá và chiều dài của rễ. Phải làm sao cho rễ vươn ra khắp bề mặt của đá, có chổ phủ lên toàn bộ và thòng xuống dưới. Nếu rễ quá ngắn thì chúng không bám lên đá đủ sức và cây sẽ không vững. Mặt khác nếu đá quá nhỏ thì hiệu quả chung của cảnh trí sẽ giảm.
Cách xếp đặt bộ rễ lên mặt đá là công việc không ấn định trước một cách chính xác vì số lượng và chiều dài của rễ. Các bộ rễ không được đặt lên đá một cách quá ẩu. Đối với những rễ cuốn xoắn trên bề mặt của đá là rất tốt, nhất là đối với những hòn đá đứng thẳng. Nếu trên đá có một vết nứt hoặc khe hở thì lúc đó cần cho 1 hay 2 rễ băng ngang qua. Có thể cho một số lượng lớn rễ bò trên và dưới đá, đặc biệt là hai bên, ngược với chiều nghiêng của cây nhằm tạo thế cân bằng.
Việc kế tiếp là làm sao cho rễ cây cố định ở vị trí mong muốn. Trong trường hợp này nên dùng dây buộc, có thể dùng bất cứ loại dây gì miễn là với thời gian chúng sẽ mục nhanh và tự hủy đi. Việc quan trọng nữa là khi cố định rễ vào đá có thể làm hư hỏng đầu rễ hoặc tai hại hơn là làm tróc da của rễ. Vì vậy nên bảo vệ rễ ở chỗ buộc bằng một lớp đất sét trộn tro trấu.
Sau đó cho chậu cùng phần dưới của đá được vùi vào đất vườn. Ở giai đoạn này cần lưu tâm là không để rễ bị khô và cháy nắng. Biện pháp hữu hiệu là luôn luôn giữ ẩm với một màng phủ bằng đất sét lỏng mà ta bôi lên hàng tuần. Cuối năm khi rễ đã bám vào đá, cần phải bỏ hết lớp phủ. Những rễ không đẹp, không cần thiết phải được cắt tỉa.
Một phương pháp khác cho cây bám vào đá khi bộ rễ chưa đủ dài. Đó là cho bộ rễ vào túi nhỏ (bằng chất liệu dễ hư mục – tự hủy) có chứa loại đất thích hợp với loại cây đó. Áp đá vào ở vị trí thích hợp. Cố định ở đấy rồi đem chôn toàn bộ trong đất vườn. Đất chung quanh cây cần vun cao lên 2-3 cm, để bảo vệ rễ cây. Sau một năm, rễ cây sẽ bao lấy đá, lúc đó toàn bộ cấu trúc này được lấy lên khỏi đất. Cắt bỏ những rễ cây không cần thiết và sửa rễ theo ý muốn. Cần phủ lớp đất sét và tro trấu lên bề mặt cấu trúc để bảo vệ rễ còn non yếu và để chúng vào nơi mát mẻ trong giai đoạn đầu.
Một phương pháp giúp rễ bám vào đá là sau khi cố định rễ vào đá, dùng bọc  ny long bọc rễ và khối đá lại, không bọc đáy để tránh bị úng nước. Sau đó chôn toàn bộ vào đất hay chậu. Bằng cách này rễ cây không mọc lan ra ngoài mà chỉ mọc ôm đá.
Đá được sử dụng trong trường hợp cây bám đá là loại đá có hình dạng và bố cục đẹp, sần sùi để cây dễ bám và không quá nhẹ sẽ không cân bằng, dễ ngã, có màu sậm, không có góc cạnh sắc bén, không có hình dạng quá cân đối, không quá to lớn, thô kệch – nên vừa tầm nâng 2 tay.
Để tạo hệ thống rễ thòng từ cành nhánh như trong trường hợp của Da, Gừa, Sanh… cần để cây vào nơi râm mát và ẩm độ cao, ngừng hoặc giảm tỉa cành một thời gian, không bao lâu rễ phụ sẽ thòng nhiều. Chờ cho khi đầu rễ chấm đất thì cắt tỉa cành trở lại và chuyển cây dần ra nơi nắng sáng.

Bón phân cho bonsai

Có nhiều chuyện hoang đường về việc trồng kiểng Bonsai mà nay vần còn khó sửa chữa. Có người cho rằng cây Bonsai phải được duy trì thường xuyên ở tình trạng gần suy nhược ngược lại có người cho rằng phải bồi dưỡng thật nhiều cho cây .Thật ra bón phân cho cây Bonsai có nghĩa là chú ý kỹ đến các nhu cầu chuyên biệt của cây ở mỗi giai đoạn phát của nó, cung cấp cho nó đúng những chất dinh dưỡng mà nói cần và vào đúng lúc. Mặc dầu đúng là các yếu tố cần thiết cho tăng trưởng của cây là lấy từ nước, không khí và đất, nhưng cũng đúng các cây Bonsai không phải luôn luôn có được những điều kiện tối ưu cho sự sống còn của chúng ở trong những chậu nhỏ. Phân bón có thể giúp cho chúng thích nghi được với những điều kiện dưới mức lý tưởng. Vì lượng đất trồng rất ít nên thỉnh thoảng phải bón phân cho cây. Thường một năm bón phân 2 lần: một lấn vào mùa khô (ít) và một lần vào mùa mưa (nhiều). Lượng phân bón: tùy tình trạng, tùy loài cây và tùy theo mùa, cây đang phát triển thì cần nhiều, cây đã thành thục thì cần ít hơn Những loài cây cho ra một đợt chồi mỗi năm thì chỉ bón phân vào lúc cây trưởng thành. Những loài cây ra chồi quanh năm thì bón phân đều đặt hơn, mỗi lần một ít. Những loài thay lá thì nên bón phân sau khi lá rụng. Bón phân vào mùa khô hay mùa lá rụng sẽ làm cho thân cây Bonsai dày lên và cứng nhấc hơn.
- Không nên bón phân khi cây đang tạo nụ hoặc đang trổ hoa ra trái vì chúng sẽ rụng hoặc bị ‘”cháy”
- Không bón phân cho những cây vừa mới thay đất, thay chậu, nên đợi 3 tháng sau cho cây tái tạo đủ rễ rồi hãy bón phân.
Phân bón thuộc loại vô cơ (gọi là phân hóa học) hay hữu cơ cũng đều có chứa những nguyên tố mà ta có thể phân ra thành nguyên tố đại lượng và nguyên tố vi lượng. Đạm, lân và kali được gọi là nguyên tố đại lượng là vì cây sử dụng chúng với mỗi lượng lớn, còn nguyên tố vi lượng – như manhê, bor, kẽm, Mangan, canci, sắt, đồng, cabalt, molybden: thì cây chỉ cần thiết ít  à thôi. Mặc dầu các nguyên tố trên đây là cần thiết cho sự tăng trưởng và hoạt động của cây, nhưng nếu bón với những liều lượng không đúng thì có thể ức chế cây. Do đó, tốt hơn nên dùng những loại phân bón đã được pha trộn đầy đủ. Lúc bón phân cần phải chú ý đến mùa màng và loài cây.Vào mùa mưa, phân bón có chứa nhiều đạm sẽ giúp cho lá tăng trưởng mùa khô thì bón phân có kali nhiều hơn để trợ lực cho sự phát triển thân và cành. Cây có hoa và trái thì cần được bón nhiều lân vào đầu mùa mưa hoặc trước khi trổ hoa. Phân bón cho cây Bonsai cần có 3 chất căn bản là: N-P-K theo tỷ lệ tương ứng là 50-30-20 N : nói chung là giúp cây tăng trưởng P : giúp điều hòa các chức năng sinh sản ra hoa kết trái K : giúp tạo và vận chuyển nhựa trổ hoa sinh trái. Bánh dầu thường được dùng cho kiểng Bonsai vì nó làm cho màu lá đẹp hơn. Nên bón thêm kali với bánh đầu thì càng tốt có thể dùng bột xương, bột cá, tro gỗ, tro rơm
- Hòa với nước để tưới : một muỗng càphê phân trong 15 lít nước tưới 15 ngày 1 lần . Tuy nhiên người ta ưa dùng phân viên để trên mặt đất. Lấy phân bội tẩm nước nhồi thành viên. nhỏ khoảng đầu ngón tay cái. Trung bình nếu bề kính của chậu là 10 – 15 cm thì dùng 1 muỗng càphê phân bột để vo thành viên. Tuy nhiên số lượng chính ‘xác thì còn ‘tùy thuộc mùa, tuổi và chủng loại cây
.- Các cụm phân phải đặt ở vùng giữa bờ chậu và gốc cây Nếu đặt gần gốc thì có thể cháy rễ, nếu đặt gần bờ chậu thì có thề bi nước tưới cuốn trôi đi. Cũng giống như trường hợp của đất, việc sử dụng phân để trồng Bonsai cũng có nhiều quan điểm khác nhau; một điều phân vân thường nghe nhắc đến là nên dùng phân hoá học là phân hữu cơ hay ngược lại? muốn giải đáp điều này thì phải xét đến thời gian mà cây cần để đồng hóa các nguyên tố trong phân bón. Phân hóa học thì được đồng hóa nhanh, còn phân hữu cơ thì thường là tác động chậm và cần một hoặc hai tháng khi có hiệu qủa đối với cây. Mặt khác, loại phân bón hữu cơ đặc hiệu cho Bonsai, mặc dầu không phải dễ tìm, nhưng không bao giờ gây ra những bất ngờ phiền phức. Cũng nên tuân thủ một số nguyên tắc sau đây khi chọn và sử dụng phân bón.
+ Thăm dò các nhu cầu chuyên biệt của cây
+ Lập kế hoạch bón phân, phân hữu cơ phải được bón ít nhất là một tháng sớm hơn phân hóa học;
+ Nếu sang chậu (và như thế là thay đất) mỗi năm, thì có thể giảm được các nguy cơ bất ngờ nếu dùng phân hóa học;
+ Tưới nước thường xuyên có xu hướng làm trôi các chất dinh dưỡng: do đó nên bón phân thêm vào mùa mưa và mùa khô; nếu dùng phân hóa học thì hai tuần bón một lần
+ Không nên bón phân vào thời kỳ nóng nhất trong năm
+ Nếu bón phân hoá học thì chỉ nên dùng phân nửa liều lượng do nhà sản xuất khuyến cáo; nếu dùng phân hữu cơ ở thể khô, thì chỉ nên bón hai lần trong một năm: vào đầu mùa tăng trưởng (mùa mưa) và cuối mùa khô.

Kỹ thuật lão hóa bonsai

Mơ ước của người chơi kiểng Bonsai là có được một cây cổ thụ hay một cây có vẻ rất già – đó là kết quả chăm sóc của nhiều thế hệ.

Tuy nhiên dáng dấp của một cây Bonsai già cây cỗi không phải luôn luôn là kết quả của tuổi tác thật

Có những kỹ thuật và xảo thuật đơn giản để làm cho cây Bonsai có vẻ già hơn : lợi dụng một khuyết tật về cấu trúc của Bonsai hay một nhánh chết, hoặc một phần thân bị chết.

Đỉnh chết (Jin)

Jin có nghĩa là đỉnh, ngọn cây, nhánh cây bị chết.

Đôi khi muốn giảm hạ chiều cao của Bonsai hay chiều dài của nhánh, thay vì cắt bỏ, người ta có thể tạo cho toàn bộ hoặc một phần của thân, của nhánh có phần gỗ chết và bị mòn láng vì thời gian, tạo ấn tượng già nua, dãi dầu mưa nắng, phong ba, tuyết giá…bằng cách:

- Lột vỏ cây bằng một lưỡi đục hình máng hay dùng một lưỡi dao bén;

- Sau đó đánh giấy nhám mịn cho gỗ trở nên láng;

- Có thể dùng lửa ( đèn cầy ,quẹt ga) nung phần gỗ để uốn nắn theo ý muốn. Lấy cọ quét acid citric hoặc sulfur canxi  pha loãng trên mặt gỗ nhưng tránh không để acid thấm quá nhiều vào gỗ sẽ làm cho Bonsai chết. Xử lý với acid citric, gỗ sẽ nhanh chóng biến sang màu trắng làm tăng vẻ già cỗi của cây.

Kỹ thuật lột vỏ rất phù hợp với các loài Tùng Bách.

Có thể áp dụng cho ngọn cây Bonsai để tạo dáng cây rất già đã bị gãy ngọn hoặc chết ngọn.

Nếu phải bỏ một nhánh lớn, tránh chừa một thẹo không  đẹp  bằng cách tạo cho nó một dáng tự nhiên hơn bằng cách cắt chừa gần thân cây chừng vài cm, rồi chuốt nhọn bằng đũa và giấy nhám phần gỗ chừa lại đó để tạo Jin.

Lột vỏ là một trong những kỹ thuật lão hóa trong Bonsai
Lột vỏ là một trong những kỹ thuật lão hóa trong Bonsai
Kỹ thuật lão hóa Bonsai gồm :lột vỏ, bể bộng, cây nửa sống nửa chết

1.Lột vỏ (Shari)

Lột một băng vỏ theo thân cây Bonsai hoặc nhánh là kỹ thuật căn bản của kiểu Sharimaki : thân cây Bonsai bị tróc vỏ để lộ gỗ trắng.

- Làm dấu trước bằng dao , sau đó cắt rời và bóc vỏ ra.

- Tốt nhất  là vẽ bằng viết chì hoặc sơn nước lên diện tích vỏ vừa lột, ngắm nghía trước và sửa chữa nếu cần.

- Phải duy trì một tối thiểu diện tích vỏ cây để nuôi cây Bonsai. Như vậy phần vỏ còn lại phải có những băng chạy ra các nhánh để cung cấp nhựa cho các nhánh.

- Không nên lột vỏ ở phần chôn trong đất vì như thế sẽ dễ thối mục do ẩm độ cao ở phần này .

- Đừng bao giờ lột một diện tích quan trọng vỏ cây Bonsai trong một lần, vì bị “khát nước” đột ngột như thế , cây sẽ chết. Làm từng đợt, trong nhiều  năm, mỗi lần một mảnh chừng 1cm bề rộng là tối đa.

- Về mặt thẩm  mỹ, nên trưng bày phần vỏ cây chừa lại ở mặt tiền của cây Bonsai.

2.Bể bộng ( Sabamiki)

Lột vỏ và đục khoét thân cây Bonsai với mục đích là tạo thân bộng ở gốc. Có thể xem kỹ thuật này như là điêu khắc trên gỗ, cũng dùng các công cụ như điêu khắc gỗ.

- Đối với những cây đã bị hư hỏng hoặc bị mục một phần rồi thì đục khoét phần gỗ chết, các mắt, các sẹo nhánh cũ.

- Nhưng với những cây Bonsai còn nguyên vẹn thì nên cận thận cưa, cắt và đục khoét dần dần từng đợt, cách xa các thời kỳ cắt tỉa hoặc thay đất.

- Tránh nhiễm trùng làm cho cây bị bệnh, có thể chết.

- Trưng bày phần thân bị bộng ra phía trước, nhánh cao nhất nằm ngay phía sau.

3. Cây nửa sống nửa chết (Tanuki)

Đây là một biến thể của kiểu Sharikimi : nhét một cây sống vào một thân cây khô dùng làm gốc. Gốc cây khô phải được xử lý trước bằng một hóa chất bảo vệ gỗ ( ví dụ : pentachlorophenol) hoặc hóa chất khử nấm, rồi để nơi thoáng mát trong khỏang 6 tháng. Sau đó, khoét một rãnh hơi to hơn bề kính của thân cây sống. Cắt hết các nhánh  ở một bên của thân cây sống, nếu cần có thể vạt bỏ theo chiều dọc cây sống, phần sẽ nhét áp vào cây khô, nhét thân cây sống vào rãnh của gốc cây khô, chỉ chừa một phần của thân cây sống ló ra ngoài. Rạch hai đường dọc sâu trên thân cây sống ở ngay 2 mép rãnh để kích thích thành lập mô sẹo, sẹo này sẽ phù lên và lấp kín kẽ hở giữa thân cây sống và mép rãnh trên gốc cây khô. Trét kín bằng mastic và cột chặt 2 phần lại bằng dây lát.Nếu làm khéo tay thì sau vài năm vỏ cây sống sẽ trồi ra ở mép rãnh và phủ kín kẽ hở.

Lưu ý:

- Dùng cùng một loài cây hoặc 2 loài cây có gỗ gần giống nhau.

- Khoét rãnh theo hướng sớ gỗ trên gốc cây khô.

Cách ghép rễ Bonsai

Việc ghép rễ Bonsai đã thành công trên các chủng loại cần thăng, mai chiếu thủy, các giống Ficus và các chủng loại khác. Mời bạn độc tham khảo cách ghép này như thế nào?
ghép rễ Bonsai được áp dụng trên cây thuộc loài Ficus
ghép rễ Bonsai được áp dụng trên cây thuộc giống Ficus
Chủng loại cây ghép rễ Bonsai:
 Ghép rễ Bonsai có thể áp dụng trên tất cả cây làm Bonsai, chủ yếu là các loài: cần thăng, mai chiếu thủy, gừa, sanh, si, sộp v.v… miễn là chúng cùng loài với nhau.

Phương pháp ghép rễ Bonsai:
 Trước hết ta chọn một cây nhỏ cùng chủng loại với gốc sao cho tương đối phù hợp với dáng thế của cây và ý muốn dàn dựng bộ rễ nơi khiếm khuyết đó.
Nhổ cây bonsai ra khỏi chậu và giũ sạch đất, kết hợp với tỉa bớt cành lá.
Dùng một lưỡi khoan , vừa bằng đường kính cây nhỏ mà ta muốn lấy làm rễ , khoan xuyên gốc cây bonsai nơi mà ta muốn rễ mọc ra từ đó.
Sau đó ta nhét cây con vào lỗ đã khoan cho xuyên suốt gốc cây và ló ra ngoài từ 2cm – 3cm, lấy dây buộc chặt để cố định rễ ghép ở nơi muốn ghép. Lấy mỡ bò trộn ký ninh hoặc mác-tít trét kín khe hở ở hai đầu để nước không ngấm vào. Xong trồng lại vào chậu đã thay phân đất mới kết hợp sửa bộ rễ cũ và mới theo ý muốn. Tưới cây và để vào nơi thoáng mát, khuất gió khoảng một tháng rồi chuyển dần ra nắng.
Cây con dùng làm rễ sẽ nẩy chồi khắp nơi ở cả hai đầu và ta để cho nó phát triển tự do. Trong vòng 4 – 6 tháng thì cây con dùng làm rễ sẽ lớn dần ra bít kín những khe hở và dính liền da với gốc ghép. Sau đó ta cắt nốt 2cm – 3cm phần ló ra cho sát gốc ghép và lảy hết những cành lá mọc ở rễ ghép. Như thế ta đã có được một bộ rễ như ý vì đã dính liền với nhau nên chúng nuôi sống lẫn nhau. Với phương pháp này ta có thể ghép cùng lúc 3 – 4 rễ quanh gốc.
Lúc đầu mới nhìn ta dễ phân biệt ra rễ ghép vì nó có màu sáng hơn gốc. Nhưng càng về lâu thì màu rễ và gốc sẽ giống nhau nên rất khó phân biệt.

Những điều cơ bản để tạo nhánh Bonsai.

Việc uốn cành, tạo nhánh Bonsai là một việc làm thường xuyên mà bất kỳ người chơi bonsai nào cũng phải thực hiện. Thông thường, tùy vào loại cây mà người làm bonsai sẽ biết nên chọn thời điểm nào để uốn cành.
Xin giới thiệu vài điều cơ bản trong việc tạo nhánh cho Bonsai
Tạo những nhánh cây sao cho chúng không mọc ngang, hoặc không để những nhánh cây mọc đâm ngang thân cây.
Trên nhánh không nên để lộ những nút mắt sần (làm cho người xem chú ý đến nó).
Nhánh đầu tiên nên được đặt nằm ở khoảng 1/3 chiều cao thân cây tính từ gốc.
Còn những nhánh cây được ghép thành công nên để chúng nằm ở những vị trí trong khoảng 1/3 thân cây còn lại tính đến ngọn cây.
Nhánh cây cần phải cho chúng mọc ra từ phía bên ngoài của những điểm uốn (để không làm nhánh cây bị phình ra).
Đường kính nhánh cây nên được cân đối với thân cây. Những nhánh cây được xem là quá khổ là những nhánh có đường kính dày hơn 1/3 đường kính thân cây.
Nếu cho nhánh thứ 1 mọc ở bên trái thì nhánh thứ 2 sẽ để nó mọc bên phải và ngược lại (khi đó nhánh thứ 3 nên để nó mọc phía sau).
Nên để những nhánh cây mọc xen kẽ nhau, không nên để chúng mọc song song.
Nên giảm bớt kích thước và đường kính của những nhánh cây nếu không thì chúng sẽ trông như là đang leo lên.
Nên chừa một khoảng trống đủ rộng giữa những nhánh cây.
Nên để những nhánh đầu tiên hay những nhánh thứ 2 (còn gọi là nhánh trái và nhánh phải) hướng về phía trước, phía trung điểm của tầm nhìn để thu hút người xem.
Những nhánh thứ nhất, thứ hai, thứ ba nên được để cách với nhánh ở phía sau 120o để tránh trường hợp chúng tự che nhau ở phía sau cây.
Trên thân cây, mỗi vị trí chỉ nên tạo một kiểu nhánh, không nên để chúng vừa mang hình bánh xe vừa mang hình nan hoa hay là để những nhánh cây xoắn lại hoặc những nhánh cây thẳng đuộc (vì như thế chúng sẽ tự làm chúng trông rất vô duyên).
Nên tạo hình những nhánh cây sao cho chúng tạo thành một hình tam giác lệch với ngọn cây tượng trưng cho trời, góc ở giữa tượng trưng cho con người và góc ở phía dưới tượng trưng cho mặt đất.
Nên để những nhánh thuộc lớp thứ 2 mọc xen kẽ trái và phải và cần phải tuân theo những qui tắc chính trong cách sắp nhánh cây, ngoài ra, không để những nhánh cây khác mọc chỉa lên hay chỉa xuống. Như vậy ta sẽ tạo ra được một lớp đệm lá.
Để tạo ảo giác cho cây bon sai già, ta để những nhánh phía dưới cây rũ xuống. Những thân cây tươi trẻ thì có nhiều nhánh mọc vươn lên. Với những nhánh ở gần ngọn ta nên tạo dáng sao cho chúng nằm ngang hoặc mọc vươn lên từ khi chúng còn là những nhánh non.
Nhìn chung ta nên tạo dáng sao cho những nhánh cây đổ xuống tuân theo các qui tắc dành cho những thân cây thẳng, ngoại trừ thân cây mọc nghiêng.
Đối với những cây đôi, không nên để những nhánh cây xen vào giữa các cây vì chúng sẽ đâm ngang vào thân cây. Khi đó những nhánh cây gần phía ngoài các cây sẽ tạo nên một hình tam giác “lá”.
Không để những tán lá che khuất “jin”.
 *Ghi chú : “Jin” là gì?
Người ta thường áp dụng kỹ thuật tạo “Jin” cho cây thông, cây tùng cối và một số loại cây có quả hình nón khác để chỉ ra chỗ nào có cành chết, bị khô đi, và cuối cùng là bị ánh nắng mặt trời tẩy trắng. Kỹ thuật này sẽ giúp tạo ra một hình tượng về tuổi tác của cây, và để tái tạo một hiện tượng tự nhiên thường xảy ra ở những thân cây mọc hoang dã ở ngoài đồng. Tuy vậy, mặc dù cũng có vài ngoại lệ, nhưng kỹ thuật tạo “Jin” không thích hợp lắm với những loài cây rụng lá hay cây lá rộng. Không như một số cây có quả hình nón, cành chết sẽ khô đi và lưu lại vết, còn cành của những thân cây rụng lá, cây lá rộng mọc hoang dã ngoài đồng sẽ bị mục rữa nhanh chóng và rời khỏi thân cây.
Đối với những cây bonsai thuộc loài cây rụng lá, “Jin” vừa trông có vẻ không tự nhiên và không thực đối với những cặp mắt tinh tường, mà nó còn khó bảo vệ nữa. Đối với những cây thuộc loài này ở ngoài tự nhiên, vết thương đó chắc chắn sẽ bị thối rữa rất nhanh.

Phụ liệu cho kiểng Bonsai

Rêu là phụ liệu cho kiểng Bonsai, tạo một mảng xanh như cỏ trên mặt đất, làm tăng vẻ tự nhiên, vẻ đẹp và già cỗi của cây Bonsai. Có nhiều loài rêu có màu sắc khác nhau từ vàng nhạt đến lục tươi. kích thước và chiều cao cũng khác nhau. Rêu mềm và màu tươi là thích hợp nhất cho Bonsai.
Có thể gỡ từng mảng rêu trên đất, trên đá hoặc trên tường cũ (gạch, ximăng )rồi ép sát lên mặt đất trong chậu,hoặc để rêu cho khô rồi “gieo”  bằng cách bóp vụn cho rơi trên  mặt đất chậu. Trước khi “gieo” nên tưới nước lên chậu cho thật ướt. Sau khi “gieo” nên nên phủ mặt đất bằng một tấm nilông trong để giữ ẩm. Sau khoảng một tuần sẽ thấy rêu mọc lên.
Cũng có thể lấy Địa tiễn Riccia, thường gặp ở nơi ẩm ướt (nền gạch , mặt đất ẩm gần miện giếng hoặc chậu kiểng), là những phiến dẹp màu lục mọc kết hợp lên nhau để lấp kín mặt đất trong chậu.
Địa tiễn – Riccia fluitans
Trừ một vài loài dương xỉ nhỏ hoặc một ít loài cỏ nhỏ như Mao đài lá nhỏ hay còn gọi là cỏ chân chim ( Piea microphylla),
Pilea microphylla
 hoặc cỏ Úc châu (Zoysia)… có thể trồng dưới cây Bonsai để tạo ấn tượng một đồng cỏ. Tuyệt đối tránh đừng để cỏ dại mọc trong chậu Bonsai.
zoysia lawn grass
Tốt nhất nên dùng rêu, vì rêu có những căn trạng (tương tự như rễ nhưng rất mịn) mọc cạn nên không làm xáo trộn hoặc cạnh tranh dưỡng chất với rễ  cây Bonsai, trái lại chúng còn giữ ẩm cho đất. Lúc tưới nước chúng giữ cho đất không bị cuốn trôi, hấp thu nước và giữ nước lâu hơn, có lợi cho cây Bonsai nhất là lúc thời tiết nóng. Tuy vậy không được thả trôi, phó mặc cho nó phát triển quá dày đặc sẽ tạo thành một lớp chắn trên mặt chậu, khiến cho nước tưới bị giữ ở lớp rêu mà không xuống được phần đất bên dưới, và như vậy cây sẽ bị héo vì thiếu nước mặc dù ta vẫn tưới hàng ngày. Vì vậy không nên quá say sưa vui mừng khi thấy rêu phát triển sum suê mà trái lại thỉnh thoảng phải tỉa bớt đi những cụm rêu nhỏ, những chòm rêu còn lại sẽ mau chóng phủ kín trở lại.
Để loại bỏ khuyết điểm trên của rêu người ta có thể dùng cát để phủ bề mặt của chậu. Cát, đặc biệt lý thú vì nó có nhiều kích cỡ và nhiều màu sắc. Thông thường người ta dùng loại đá cẩm thạch ( đá ốp lát) nghiền nhỏ sẽ cho ta những hạt cát đủ cỡ và đủ màu. Việc sử dụng mỗi loại sẽ đem lại hiệu quả khác nhau . Trong trường hợp muốn tăng sự tương phản thì cát trắng đặc biệt tốt: cát trắng tạo nên bối cảnh đẹp cho màu xanh của cây Tùng, Vạn niên thanh, La hán… làm nổi bật một cách mạnh mẽ màu sắc của hoa thơm ổi, hoa giấy…mất tác dụng với cây có màu trắng như Mai chiếu thủy và dĩ nhiên nếu chậu cũng màu trắng thì càng trở nên nặng nề, lố bịch. Như thế lớp phủ , rêu hay cát trên mặt chậu cũng liên quan đến màu sắc của chậu.

Quy tắc về thân cây Bonsai

Cấu trúc thân Bonsai sẽ là trung tâm cái nhìn . Nó thu hút sự chú ý của người xem bằng đường nét , hình dáng và màu sắc của cây.
Bonsai Mai chiếu thủy
Bonsai Mai chiếu thủy
  1. Nên để chiều cao thân cây Bonsai gấp 6 lần đường kính rễ cây.
  2. Thân cây Bonsai nên để hơi nghiêng về phía trước hướng về bên phải người xem.
  3. Gốc cây Bonsai nên được tạo dáng xòe ra và để cho nó nhô lên trên nền chậu, như thế trông nó giống như đang bám vào đất để giữ cho cây đứng thẳng.
  4. Rễ cây nên được để nhô lên từ gốc cây xòe trên nền chậu.
  5. Không nên để những nút sần mọc trên rễ cây (vì người xem sẽ để ý nhiều đến nó).
  6. Nên tạo dáng ngọn câyBonsai hơi nghiêng về phía trước hướng về phía người xem.
  7. Thân cây nên được giữ thon từ dưới lên trên để trông nó như là đang mọc vươn lên, nhưng không được làm thon ngược lại từ trên xuống.
  8. Những chồi ghép nên được ghép với số lượng vừa phải để tạo được dáng cây hài hòa, hoặc ghép chúng đủ thấp để không nhìn thấy những mối ghép từ nebari.
  9. Uốn thân cây Bonsai sao cho những điểm uốn trên thân không mang hình “ức bồ câu” (những điểm uốn nên được uốn cong hướng về phía người xem).
  10. Nên tạo dáng ngọn cây theo hướng của gốc cây. Độ uốn của cây cần phải được đảm bảo.
  11. Không để cây tự mọc ra phía sau. Đây là một trong những qui tắc của tôi và rất khó giải thích vì sao. Nó liên quan đến độ uốn cong của thân cây. Nếu một thân cây tự mọc ra phía sau thì sẽ tạo ra một điểm uốn hình chữ “C”.
  12. Đối với những thân cây Bonsai thẳng bình thường và thẳng không bình thường thì ngọn cây nên được giữ sao cho nó mọc cao hơn gốc cây.
  13. Trên những thân cây Bonsai thẳng bình thường, nếu có quá nhiều điểm uốn hình chữ “S” sẽ làm cho cây trông rất nặng nề mất đi vẻ tự nhiên vốn có của nó.
  14. Với những cái cây Bonsai mọc nhọn hướng lên cao thì những điểm uốn nên được uốn gần nhau (cần để ý đến vị trí của cành cây).
  15. Một cây chỉ nên mang một ngọn.

Hình thái và cấu tạo kiểng Bonsai

I. Hình thái
A. Rễ
Hầu như chỉ có các loài Ficus (Sung, Da,Gừa..) là có rễ phụ và có bạnh vè ở gốc, còn các loài thường không có bạnh vè , do đó phải làm cho rễ lồi lên. Rễ phải xuất phát từ gốc cây và tỏa ra mọi hướng.
  1. Rễ trụ
Nếu cây nguyên liệu là cây gieo hạt, thì sau khi các rễ ngang đã phát triển khá nhiều, phải cắt bỏ rễ trụ (còn gọi là rễ chuột ) để đưa vào chậu.
         2.Rễ ngang
a. Ở các loài đại mọc , hệ thống rễ ngang được thành lập qua 2 đợt:
- Đợt 1: Ở cây con lúc mới phát triển ,để khai thác đất theo chiều ngang nhằm lấy chất dinh dưỡng và để bám.
- Đợt 2: Mọc ở phần còn lại quanh gốc để khai thác phần đất ở dưới gốc cây.
 b. Ở các loài tiểu mọc và cây bụi chỉ có 1 đợt duy nhất, tạo ra một ít rễ ngang.
            3. Rễ phụ (còn gọi là rễ khí sinh) của các loài Ficus gồm 3 thứ:
a. Rễ không hoạt động, thòng nhiều, mảnh khảnh, không chấm đất, đầu rễ màu trắng, hệ rễ này là nơi tổng hợp các acid amin (25 đến 30 lần nhiều hơn lá non và thân ), do đó giữ vai trò dinh dưỡng cho cây.
a. Rễ dài hơn, chạm đất, hoạt động.
c. Rễ chạm đất, phát triển thành những trụ thân.
            4.Chồi rễ
Thân hoặc nhánh mọc lên từ những rễ nằm ngang trên mặt đất, sử dụng để tạo các kiểu đa thân, kiểu bè, kiểu rừng cây…
          5. Lưu ý
Trong các thế kiểu nghiêng, gió đùa, thác đổ nên bố trí rễ to nhất ở phía đối diện với chiều ngang của thân cây để lấy lại sự cân bằng.
Trong thiên nhiên rễ có xu hướng phát triển tùy theo nhu cầu và cơ hội, nhưng nếu cây bị gò bó trong một chậu nhỏ và cạn, thì sự tăng trưởng của rễ sẽ bị hạn chế và kéo theo sự tăng trưởng của thân nhánh sẽ chậm lại. Vì thế mà cây trở thành Bonsai. Trong một cây bình thường, phần lớn hệ rễ dùng để cho cây bám chặt vào trong đất, nhưng đối với cây trồng trong chậu thì điều này không cần thiết nữa, nên có thể cắt ngắn hệ rễ được. Bằng cách giảm khối lượng rễ trong chậu, ta giúp cho các rễ con khỏe mạnh có đủ chỗ để tăng trưởng. Chính các lông hút mới thành lập sẽ hút nước và các chất khoáng để cho cây khỏe mạnh.
B. Thân và cành
Trong thiên nhiên, sự tăng trưởng của thân và nhánh được xác định bởi nhu cầu của cây  để lợi dụng tối đa ánh sáng mặt trời và vượt qua sự cạnh tranh của các cây khác. Thân cây nghiêng ngả là vì mọc ở nơi có gió mạnh, đất bị xói mòn, hoặc bị hư hại vì các tác nhân vật lý và cơ học khác. Thân to và nhọn ở phía gốc khi mọc trên đất trống là vì không có các cây khác mọc ở gần để cạnh tranh,và tán cây có thể bành trướng rộng ra mà không bị cản trở. Nhiều nhánh ở dưới thấp làm cho thân cây  rộng ra ở gốc. Cây già thì có nhiều rễ trồi lên mặt đất vì đất đã bị xói mòn. Nhánh cây thì có những chi càng ngày càng nhỏ sau nhiều năm trăng trưởng trong những điều kiện tốt. Cây trồng trong chậu thì không được như vậy, trừ khi ta sửa sang chúng lại bằng phương pháp cắt tỉa, quấn dây… Cây thân gỗ trồng trong những chậu nhỏ có thể nhìn giống như một cây bụi nhỏ nếu không được khéo léo sửa sang, bởi vì ở đây không có những lực thiên nhiên áp đảo chúng.
Thỉnh thoảng tỉa bớt nhánh và cắt bớt ngọn nhánh để làm cho tán cây Bonsai gọn lại, tán lá được phân bố lại theo một hình ảnh mà ta dự tính trong trí. Kết quả trông thấy về cách chăm sóc và sửa sang một cây Bonsai chính là số lượng các chi nằm giữa các cành và mức độ sum xuê của tán lá .
1.Tăng trưởng liên tục hoặc từng đợt (theo nhịp mùa)
* Tăng trưởng từng đợt : Rất thường gặp ở khí hậu nhiệt đới vào đầu mùa mưa hoặc nhiều lần trong năm.
Nhịp tăng trưởng được biểu hiện bằng nhiều hiện tượng:
-Lá nở ra;
-Lá rụng;
-Sự tăng trưởng của tượng tầng tạo thêm gỗ và libe làm cho thân hay nhánh dày lên;
-Sự tăng trưởng của những đọt non ( những đoạn có lóng dài tương ứng với giai đoạn tăng trưởng  nhanh , những đoạn có lóng ngắn tương ứng với giai đoạn tăng trưởng  chậm và mang lá nhỏ hơn).
* Nhịp tăng trưởng điều khiển thời hỳ vận chuyển nhựa, do đó nên lưu ý trong thao tác quấn dây kẽm, tránh quấn chặt quá cản trở sự lưu thông của nhựa, nhưng lại cần siết chặt nếu muốn tạo ra những u, bướu trên thân cây.
2. Chồi
 Phân biệt:
- Chồi ngọn là chồi ở ngọn thân hay ngọn nhánh.
- Chồi nách là chồi mọc ở nách lá.
- Mỗi nách lá có thể có một hoặc nhiều chồi.
- Chồi nách thường được phát triển thành hoa hoặc phát hoa hoặc  cũng có thể phát triển thành cành nhánh mới.
3. Diệp tự
Bonsai Vạn Niên Tùng
Vạn niên tùng – dạng thác đổ
Cách mọc (cách sắp xếp) của lá trên thân cây và trên nhánh. Có 3 kiểu chính sau đây:
Lá mọc xen : mỗi mắt chỉ có một lá, các lá xếp luân phiên theo hình xoắn ốc đi dần lên ngọn thân hay nhánh hoặc các lá cũng mọc luân phiên nhưng chỉ nằm hai bên thân hay nhánh tạo thành một mặt phẳng ( song đính ).
Lá mọc đối : ở mỗi mắt (đốt) có 2 lá đối nhau. Các cặp đối nhau này cũng có thể nằm trong cùng một mặt phẳng hay các cặp lá mọc đối nằm luân phiên trong 2 mặt phẳng thẳng góc với nhau (đối chéo).
Lá vòng : ở mỗi mắt có từ 3 lá trở lên.
Vì mỗi nách lá đều có chồi nách, nên ta có thể dự kiến được sự xuất hiện của các đốt chồi mới dựa theo kiểu diệp tự  và do đó có thể loại bỏ hoặc giữ lại cho phù hợp với các kiểu tàn đã chọn.
4.Sự phân nhánh
* Tùy theo kiểu diệp tự, ta có : nhánh mọc xen, nhánh mọc đối, chẻ hay “ nạng hai” ( do chồi ngọn của nhánh ngưng phát triển và 2 chồi nách ở ngay dưới phát triển thành 2 nhánh bằng nhau) hay nhánh mọc thành vòng ( ví dụ : Tùng bách tán).
Sự phân nhánh ở Tùng bách tán – 2 chồi nách ở ngay dưới phát triển thành 2 nhánh bằng nhau
* Sự phân nhánh cũng diễn ra từng đợt (đi đôi với sự tăng trưởng từng đợt ) hoặc liên tục ( đi đôi với sự tăng trưởng liên tục).
Phân nhánh từng đợt : sự phát triển cùa chối nách bị hoãn lại (sau khi thành lập ) so với sự phát triển của chồi ngọn, nghĩa là chồi nách có giai đoạn nghỉ (chồi ngủ).
Phân nhánh một lượt : chồi nách phát triển ngay sau khi được thành lập,nghĩa là không có giai đoạn nghỉ.
*Tần xuất phân nhánh : mặc dù mỗi nách lá đều có chồi nhưng tùy theo loài, chỉ sau khi có một số lá nhất định  xuất hiện thì mới có một chồi nách phát triển thành nhánh. Biết được tần xuất này, ta có thể dự kiến được sự xuất hiện của các nhánh  và do đó định hướng  và định số lượng các nhánh mà ta muốn giữ lại hoặc bỏ đi.
* Hướng phát triển của nhánh : có 2 hướng chính
-  Đứng : thường đi đôi với kiểu diệp tự xen hay đối chéo.
- Ngang : thường đi đôi với kiểu diệp tự song đính hay đối xứng (ứng dụng trong nhân giống : chiết nhánh mọc ngang có khi sẽ cho ta thân cây luôn luôn nằm ngang như trường hợp nhánh ngang cuả Tùng bách tán).
Đa số các đại mọc đều có nhánh đứng lúc mới mọc, sau đó có thể bị quằn xuống dưới sức nặng của tán lá.
5. Nhánh tái tạo
Là những đọt non mạnh, mọc lại từ thân hay nhánh bị ngả nghiêng hoặc bị uốn cong. Nhánh  này tái tạo tất cả các đặc điểm hình thái của một cây nguyên vẹn. Nên lưu ý các nhánh này để nhân giống (chiết, giâm cành), tạo thế kiểu đa thân, bè, liền gốc hoặc kiểu rừng cây.
Biết được kiến trúc của cây sẽ giúp ích rất nhiều trong các thao tác cắt tỉa, uốn nắn và sửa cây nguyên liệu, cũng như các thao tác cắt tỉa để bổ sung.
6. Ưu thế ngọn
Chồi ngọn kiềm chế sự phát triển của chồi nách, nếu cần thì loại bỏ ngọn để cho các nhánh phát triển.
7. Sự phát triển của đọt thông
Các chồi bên phát triển gần như một lượt, tạo ra một chùm lá dày đặc  và gom thành cụm nhỏ
- Các đọt thông mới phát triển trong mùa tăng trưởng thường có dạng đèn cầy ở ngọn thân hoặc ngọn nhánh, dưới ngọn có nhiều chồi bên.
-Nên bấm đọt khi nó mới bắt đầu ló ra để các chồi bên phát triển.
-Thông thường các chồi bên phát triển gần như một lượt, tạo ra một chùm lá dày đặc hơn và gom thành cụm nhỏ, tạo tán lá đặc sắc của thông.
8.Các hướng động
Trong thiên nhiên có 3 yếu tố ảnh hưởng đến dáng cây : gió, trọng lực, ánh sáng.
- Trọng lực
Những cây mọc ở vách đá đứng thì có thân và nhánh mọc theo hướng động nghịch: nghĩa là luôn luôn có xu hướng mọc cong lên trời, mặt khác phần gốc hoặc rễ lồi thường có xu hướng phát triển ở hướng đối diện với hướng nghiêng của thân cây ( đề kháng với lực kéo). Cần lưu ý các đặc điểm này để bố trí các nhánh và gốc, rễ cho phù hợp với tự nhiên.
- Ánh sáng
Nhánh mọc hướng về phía có ánh sáng: Trong thiên nhiên những cây mọc ở bìa rừng hoặc ở bờ sông trong rừng thường có nhiều nhánh hoặc cả thân cây mọc hướng về phía lòng sông có nhiều ánh sáng hơn (quang hướng động thuận). Lưu ý đặc điểm này để áp dụng cho rừng Bonsai (những cây ở bìa thì nghiêng ra ngoài) hoặc cho các cây mọc trên non bộ ở gần nước.
- Gió
Tán lá mọc xuôi theo hướng gió không phải là do hiện tượng hướng động, mà là do kết quả tác động cơ học của gió: những nhánh mọc ở phía ngược gió thường bị gãy đổ hoặc không phát triển nổi, thân thì mọc nghiêng theo hướng gió, gốc và rễ thì phát triển trội hơn về phía ngược gió để đề kháng với lực kéo. Lưu ý đặc điểm này để bố trí các nhánh và tán lá cho đối lại với hướng đề kháng của gốc và rễ.

Cách phân loại Bonsai

Tùy mục đích mà có những cách phân loại Bonsai khác nhau dựa vào những tiêu chuẩn khác nhau. Đáng chú ý là :
1.Dựa vào tình trạng của cây
- Cây nguyên liệu : khi chúng chưa được uốn sửa gì cả, đa số từ vườn ươm hay thu hái từ thiên nhiên.
Hình minh họa: Bonsai nguyên liệu (ổi)
-Cây sơ chế: khi các nguyên liệu ấy đã được uốn tỉa sơ bộ, thường do các nhà vườn cung cấp.
Hình minh họa : Bonsai sơ chế
- Cây thành phẩm : là những cây đã được định hình khá tốt có thể trưng bày và đang được hoàn thiện dần thành những tác phẩm . Giai đoạn đầu là cây hàng chợ, giai đoạn sau đã được tuyển chọn là cây chọn lọc, là tác phẩm có giá trị cao.
2. Dựa vào trọng lượng hay kích cỡ
- Bonsai một tay (komono) hay Bonsai loại nhỏ, nhẹ, chỉ cần một tay đã có thể nâng chúng lên được. Đây cũng là loại Bonsai mini, có chiều cao dưới 15 cm.
Hình minh họa : Bonsai mini
-Bonsai hai tay (katademochi) là loại trung bình, cần 2 tay của một người đã nâng lên được. Đây là loại Bonsai cổ điển, chiều cao từ 15cm – 70 cm. Dễ di chuyển nên thịnh hành nhất.
Hình minh họa : Bonsai trung
Bonsai bốn tay (ômono) là loại lớn, cần 2 người khiêng hay còn gọi là Bonsai sân vườn, cao từ 70-120-180cm.
Chiều cao của cây được tính từ cổ rễ (gốc cây) lên đến đỉnh ngọn, không lưu ý đến kích thước bề ngang của thân cây. Đối với những cây cong thòng thì chiều cao được tính từ chỗ cong  lên đến đỉnh ngọn.
3 .Dựa vào số cây trong chậu
-1 cây (độc thụ)
-2 cây (song thụ)
-Nhiều cây ( quần thụ)
4. Dựa vào đặc điểm của cây
Hình minh họa: Bosai cho hoa (Đỗ quên)
*Cây có lá quanh năm
-Lá hình kim (Tùng loại) Thông, Tùng, Sa tùng
- Lá rộng bản (Diệp loại) như Cần thăng, Kim quít, Nguyệt quới..
*Cây có lá rụng theo mùa: Trắc dây, Bằng lăng, Mai vàng
*Cây cho hoa : Bông giấy, Mai vàng, Mai chiếu thủy, Bằng lăng, Thơm ổi, Linh sam, Đỗ quyên…
*Cây cho trái : Kim quít, Sung, Khế, Hải phù dung…
5. Dựa vào chủng loại cây
Đây là tiêu chuẩn quan trọng vì:
-Để trao đổi trên thương trường quốc tế;
-Để tìm hiểu các thông tin khoa học;
-Để áp dụng trong tháp ghép…
Các cây thường được sử dụng để làm Bonsai hiện nay.
Stt
Tên thông thường
Tên khoa học
Họ thực vật
1Bằng lăngLagerstroemia lecomteiLythraceae
2Bình linhVitex pupescensVerbenaceae
3Bò chétLeucoena leucocephalaMimosaceae
4Bồ đềFicus religiosaMoraceae
5Bông giấyBougainvillea spectabilisNyctaginaceae
6Cần thăngLimonia acidissimaRutaceae
7Cẩm thịDiospyros nhatrangensisEbenaceae
8Chuổi ngọcDuranta repensVerbenaceae
9Cù đềBreynia rhamnoidesEuphorbiaceae
10Trà phúc kiếnCarmona microphyllaBoraginaceae
11Cùm rụm ô rôMalpighina coccigeraMalpighiaceae
12Dành dànhGardenia lucidaRubiaceae
13Duối nhámStreblus asperMoraceae
14Dương liễuCasuarina equisetifoliaCasuarinaceae
15Duối ô rôStreblus ilicifoliaMoraceae
16Găng tu húGmelia asiaticaVerbenaceae
17GừaFicus microcarpaMoraceae
19KhếAverrhoa carambolaOxalidaceae
20Kim quítTriphasia trifoliataRutaceae
21La hán tùngPodocarpus macrophyllusPodocarpaceae
22Lài trâuTabernaemontana divaricataApocynaceae
23Lâm vồFicus rumphiiMoraceae
24Linh samDesmodium unifoliatumPapilionaceae
25Mã kỳStyphelia malayanaEparcidaceae
26Mai chiếu thủyWrightia religiosaApocynaceae
27Mai vàngOchna integerrimaOchnaceae
28Mai đỏOchna atropurpureaOchnaceae
29Me chuaTamarindus indicaCaesalpiniaceae
30NgâuAglaia  duperreanaMeliaceae
31Ngũ sắc (Thơm ổi)Lantana camaraVerbenaceae
32Nguyệt qướiMurraya paniculataRutaceae
33Sa tùng (chổi)Baeckea frutescensMyrtaceae
34Sam núiAntidesma acidumEuphorbiaceae
35SanhFicus retusaMoraceae
36Sơn liễuPhyllanthus cochinchinensisEuphorbiaceae
37Sơn tràCrataegus monogynaRosaceae
38SộpFicus pisocarpaMoraceae
39SungFicus racemosaMoraceae
40Sứ sa mạcAdenium obesumApocynaceae
41Thanh liễuTamarix chinensisTamaricaceae
42Thiên tuếCycas revolutinaCycadaceae
43ThôngPinus merkusianaAbietaceae
44Tường viLagerstroemia indicaLythraceae
45Trắc dâyDalbergia annamensisPapilionaceae
46Trà tàu ( chè tàu)Acalypha siamensisEuphorbiaceae
47Trúc ống ( trúc đùi ếch)Bambusa ventricosaPoaceae
48Tùng ( Bạch đầu tùng)Cupressus lusitanicaCupressaceae